Custom bàn phím cơ thông qua điều chỉnh switch, cụ thể gồm các việc sau
1/ Swap switch (đổi switch): khi switch có trục trặc hay hỏng hóc, hoặc chỉ đơn giản là muốn thay đổi một switch khác để có cảm giác gõ mới hơn so với cái hiện tại, dân trong nghề thường swap switch, đổi switch khác. Quá trình này cần nhiều kỹ năng, tỉ mỉ và hiểu biết chi tiết về các thành phần trong switch mới làm được.
2/ Lube switch (bôi trơn switch): đúng nghĩa đen là dùng chất bôi trơn để bôi lên các chi tiết trong switch để có cảm giác gõ mềm mại, trơn mịn hơn. Việc này đòi hỏi cẩn thận, khéo tay, nhiều thời gian. Nhất là đo lường lượng dầu cho chính xác để không làm cảm giác gõ thay đổi theo chiều hướng không mong muốn, đặc biệt là các tacticle switches.
3/ Remove switch (tháo rời các thành phần của switch): đây là một công đoạn dân chơi hầu như luôn phải làm khi muốn điều chỉnh switch. Việc tháo rời các thành phần cũng đòi hỏi nhiều tỉ mỉ, kiến thức sâu về cấu trúc bên trong của switch và được hỗ trợ bởi bộ đồ nghề removal switch kit.
4/ Spring swap (thay lò xo): Đôi khi người dùng sẽ không có nhu cầu thay hẳn cả con switch, mà chỉ là thay lò xo bên trong để có một cảm giác gõ mới mẻ hơn mà vẫn tiết kiệm nhiều chi phí. Lò xo của các loại switch hiện nay đã có thể dễ dàng tìm thấy trên các chợ linh kiện bàn phím cơ online. Đây cũng là việc làm đòi hỏi sự cẩn thận và nhiều kỹ năng.
5/ Đặt vòng O-ring vào switch: Vòng O-ring có tác dụng giảm độ xốc và hãm âm thanh cho các switch dạng tacticle, đặc biệt là clicky. Vòng O-ring có hình tròn, chất liệu thường là nhựa thường hoặc nhựa cao cấp. Việc đặt vào phía dưới switch và keycap cũng khá dễ dàng và đơn giản, chỉ cần làm một hai lần là thạo ngay.
6/ Đặt film/ sticker vào trong switch: Khi tháo switch ra để điều chỉnh hay thay thế, phần top housing và bottom housing có thể sẽ bị hở không còn khít lại như ban đầu, làm ảnh hưởng đáng kể đến cảm giác gõ. Cho nên bạn cần đặt một miếng film hoặc sticker vào giữa phần top và bottom housing để khi đóng switch vào sẽ khít chặt không tạo cảm giác bị bọng hay lắc lư khó chịu khi gõ.
7/ Vệ sinh switch: đây có lẽ là việc đơn giản nhất trong tất cả các việc điều chỉnh switch. Dùng lâu ngày cả keycap và switch đều sẽ bám bụi, bạn sẽ cần tháo ra các thành phần trong switch và dùng dụng cụ bơm khí thổi sạch bụi bám trên từng chi tiết. Có thể kết hợp với cọ đầu nhỏ để len sâu vào các khe nhỏ.
Danh sách các dụng cụ trong bộ switch kit
Như vậy, tương ứng với tất cả các công việc liên quan đến điều chỉnh switch vừa kể trên, thì một bộ đồ nghề switch kit ĐẦY ĐỦ cho dân chuyên custom bàn phím sẽ bao gồm các dụng cụ sau (lưu ý với mỗi loại dụng cụ có thể sẽ có nhiều hình thức thể hiện và thay thế khác nhau):
1/ Dụng cụ mở switch
Để khởi đầu cho bất kỳ công việc điều chỉnh thay đổi switch nào thì hầu như ai cũng phải đi qua bước tháo mở switch. Nếu muốn mọi thứ thật sự dễ dàng và đúng quy cách, anh em nên trang bị một bộ removal switch kit chuyên dụng (thường làm bằng nhôm được CNC hóa cực kỳ an toàn và tiện dụng) vừa giúp quá trình tháo dỡ nhanh hơn mà cũng giữ các chi tiết được bảo vệ tốt nhất có thể.
Hoặc đơn giản hơn có thể dùng các dụng cụ gắp switch bằng nhựa có giá thành rất rẻ chỉ trên dưới 100.000 VND, tuy không chuyên dụng bằng nhưng cũng dễ dùng và quan trọng là giá hạt dẻ.
2/ Switch mod station
Nói dễ hiểu thì đây giống như cái khuôn, dùng để áp lên bàn phím để hình dung ra vị trí cụ thể của từng phím và switch. Khuôn mod station có nhiều cỡ khác nhau tương đương với số lượng switch bạn cần điều chỉnh theo từng đợt, khuyên dùng là khoảng 20-30 switch cho một lần điều chỉnh. Ít hơn sẽ tốn nhiều thời gian còn con số lớn hơn sẽ nhọc công hơn.
3/ Lubricants (có thể là oil hoặc grease)
Và dĩ nhiên đây là chất liệu cần có cho quá trình lube switch (mình đã chia sẻ chi tiết tại đây và đây nữa). Có hai loại chính là Oil hoặc Grease. Đi kèm là chỉ số nhớt đặc trưng của từng loại và từng hiệu. Để chọn đúng bạn cần hiểu kỹ loại switch mình đang dùng, muốn thay đổi nó sau lube như thế nào, và ý nghĩa của từng chỉ số nhớt.
4/ Các loại cọ
Thường chia làm 3 loại: cọ đầu nhỏ, cọ đầu lớn và chổi. Cọ đầu nhỏ để đi vào từng ngóc ngách sâu bên trong của chi tiết hoặc những nơi cầu độ nhớt mỏng, cọ đầu lớn để quét qua phần phía ngoài hoặc cần độ nhớt dày, chổi thường dùng để hỗ trợ dụng cụ thổi bụi cho những bên trong.
5/ Dụng cụ giữ và thả slider/ stem
Dùng cho việc lube hay vệ sinh slider. Vì cấu tạo đặc biệt về hình dáng nên phần slider của switch thường khó nắm giữ bằng đồ gắp thông thường, dùng tay lại càng tệ hơn vì sẽ dễ bẩn do bụi mồ hôi tay. Nên có riêng dụng cụ gắp thả slider/ stem thì tiện dùng hơn.
6/ Lò xo/ stem/ slider/ housing thay thế
Đây là các thành phần bên trong chính của một switch. Thay slider/ housing thường trong trường hợp bị hỏng hóc hay chất liệu không đồng đều. Thay lò xo thường dùng khi lò xo gốc cho cảm giác gõ không đa dạng hay nặng nhẹ không đều tay. Lò xo có nhiều dạng và cũng dễ dàng mua từ các trang bán hàng online với giá khá rẻ khoảng 200.000 trở xuống cho một túi 50-100 lò xo cùng loại. Lưu ý là trước khi thay lò xo anh em cần khoanh vùng rõ nguyên nhân làm cho cảm giác gõ không như ý nằm ở lò xo hay là do những yếu tố khác. Tránh tình trạng thay xong hàng loạt spring rồi mà mọi thứ vẫn không thay đổi gì, vừa mất tiền vừa mất công.
7/ Switch film/ sticker
Đây là phần dùng để làm khít top housing và bottom housing sau khi tháo ráp ra xong. Sitcker có giá rẻ hơn film nhưng độ bền không cao bằng và mắc công tháo ra từng miếng trước khi dùng. Hai chất liệu này đều làm từ nhựa mỏng, vừa giúp thít chặt, vừa hạn chế bụi đi vào switch.
8/ O-ring
O-ring là phần hãm thanh và giúp hạn chế lắc lư nằm giữa switch và keycap. Cần xác định rõ mức độ âm thanh đang có khi gõ có thật sự quá ồn hay không rồi hẵng quyết định dùng O-ring vì ít nhiều việc có thêm một chiếc vòng nhựa đệm bên dưới sẽ ảnh hưởng đôi chút để cảm giác gõ của bạn đấy.
9/ Dụng cụ thổi bụi
Thường có dạng bình bóng. Với điều chỉnh hay vệ sinh switch thì chỉ cần loại kích thước bóng nhỏ thôi, để dễ đi vào các khe hóc của chi tiết và độ mạnh của luồng khí cũng nhẹ nhàng hơn tránh gây hỏng hóc switch.
10/ Switch tester
Đây là bộ máy nhỏ dùng để đo các thông số của từng loại switch. Anh em sẽ thật sự cần trang bị một cỗ máy thế này để có thể thấy được rõ từng sự thay đổi sau mỗi lần điều chỉnh hay lube switch xong. Giá cũng không cao nhưng thật sự là rất cần đấy. Dùng khá dễ dàng có thể chỉ cần đọc hướng dẫn trên bao bì là được. Giá hiện dao động nhiều từ 200.000 VND trở lên là đã có được một em kha khá.
LỜI KẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét